Dấu Hiệu Mọc Răng Ở Trẻ & Cách Chăm Sóc
Dấu hiệu mọc răng ở trẻ là sốt, nổi ban,… Phụ huynh cần nhận biết những biểu hiện này để có thể chủ động chăm sóc, cũng như sớm phát hiện những di chứng nguy hiểm.
Hãy cùng nha sĩ Spring Orchid tìm hiểu quá trình mọc răng của trẻ qua bài viết này.
Độ Tuổi Mọc Răng
Khi vừa ra đời, trẻ sơ sinh không có răng. Tùy vào thể trạng mà khoảng thời gian mọc răng ở mỗi bé sẽ khác nhau, trung bình tiến trình mọc răng diễn ra như sau:
- Từ 4 – 7 tháng tuổi sẽ là lúc bé mọc chiếc răng đầu tiên.
- Tiếp đó, bé sẽ có 6 chiếc răng trong 12 tháng.
- Sau 24 tháng đầu đời, trẻ sẽ hoàn thành giai đoạn mọc răng sữa.
Tuy vậy, sẽ có những trẻ mọc răng chậm hơn các bạn cùng trang lứa. Nhưng các bà mẹ cũng đừng lo lắng, nếu 1 tuổi trẻ mới mọc chiếc răng đầu tiên thì điều đó hoàn toàn bình thường. Nếu đến tháng thứ 13 mà trẻ vẫn chưa mọc chiếc răng nào, lúc đó trẻ được xếp vào trường hợp mọc răng chậm.
Trình Tự Mọc Răng Sữa
Thông thường, số răng của trẻ sẽ bằng số tháng tuổi trừ đi 4. Bộ răng sữa sẽ có 20 răng, gồm 10 răng ở hàm trên và 10 răng hàm dưới. Tiến trình mọc răng của mỗi trẻ sẽ diễn ra khác nhau, nha sĩ Spring Orchid sẽ thống kê thời điểm mọc răng ở bảng bên dưới để bạn tham khảo:
Độ Tuổi | Vị trí răng |
Từ 4 – 11 tháng tuổi | Mọc hai răng cửa hàm dưới. Sau đó đến hai răng cửa hàm phía trên. |
Từ 12 – 16 tháng | Giai đoạn trẻ mọc thêm 4 răng cửa bên (Gồm 2 răng cửa bên hàm trên và hàm dưới). |
Từ 17 – 20 tháng tuổi | Mọc 4 răng hàm đầu tiên. |
Từ 21 – 25 tháng tiếp theo | Mọc 4 răng nanh. |
Từ 26 – 32 tháng | Mọc đủ 4 răng số 5. |
Từ 6 đến 12 tuổi | Thay răng vĩnh viễn. |
Dấu Hiệu Mọc Răng Ở Trẻ
Mọc răng là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi cơ thể. Ở một số bé sẽ có biểu hiện biếng ăn, sốt nhẹ hoặc phát ban sau khi mọc răng. Vậy nên, bậc cha mẹ cần nhận ra các dấu hiệu bé mọc răng để có những sự điều chỉnh kịp thời:
Chảy Nước Dãi / Nổi Mẩn
Trẻ sơ sinh hay có hiện tượng chảy dãi, nguyên nhân là do cơ chế nuốt ở trẻ vẫn chưa hoàn thiện. Khi răng bắt đầu mọc, dây thần kinh trung ương số 5 bị kích thích khiến trẻ chảy nước dãi nhiều hơn bình thường.
Tình trạng chảy dãi ra vùng cằm sẽ gây nổi mẩn đỏ quanh miệng. Những nốt mẩn đỏ này sẽ gây ngứa và đau rát.
Hay Cắn
Mầm răng mới nhú sẽ gây cảm giác ngứa nướu răng. Ba mẹ quan sát sẽ thấy trẻ xuất hiện biểu hiện gặm ngón tay, cắn đồ chơi hoặc nhai những vật cứng. Đây là điều khó tránh khỏi, bởi vì trẻ mọc răng thường cắn vật gì đó để giảm cơn ngứa.
Sốt
Mọc răng cũng tác động đến hệ miễn dịch, dẫn đến sốt hoặc nổi ban.
Nếu con bị sốt nhẹ, ba mẹ có thể điều trị tại nhà bằng chườm khăn ấm, thay quần áo thoáng mát.
Nhưng khi con có biểu hiện sốt cao, bé cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, tránh biến chứng không mong muốn.
Biếng Ăn
Mọc răng không chỉ làm con cảm thấy đau đớn mà còn ngứa khó chịu. Một số trẻ sẽ trở nên biếng ăn, bú sữa kém hoặc bỏ bú.
Nếu tình trạng chán ăn ở trẻ diễn ra phức tạp và kéo dài hơn 2 tuần, nha sĩ Spring Orchid khuyên gia đình đến phòng khám y tế để được chuyên gia cho lời khuyên.
Quấy Khóc, Khó Ngủ
Trẻ sơ sinh chưa có khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ. Vậy nên chúng chỉ có thể khóc để diễn đạt trạng thái của mình. Tuy nhiên, không phải đứa bé nào mọc răng cũng sẽ quấy khóc. Ba mẹ cần quan tâm và theo dõi để tránh viêm nướu, chảy máu răng,…
Bên cạnh đó, nếu đau rát kéo dài cũng sẽ gây khó ngủ, ngủ không sâu và hay giật mình. Bạn cần kiên nhẫn dỗ dành và chăm sóc sức khỏe bé.
Cách Chăm Sóc Trẻ Mọc Răng
Trong giai đoạn mọc răng, con hay quấy khóc hơn khiến cho ba mẹ lo lắng và mệt mỏi. Nhưng bạn cùng đừng trách mắng bé nhé, thay vào đó bạn cần phải chăm sóc chúng kĩ càng hơn vì chúng cũng đang phải trải qua giai đoạn quan trọng trong đời.
Nha sĩ Spring Orchid sẽ cung cấp một số lưu ý khi chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bé:
- Chế độ ăn: Trong giai đoạn này, các mẹ cần kiên nhẫn khi trẻ ăn, không bắt ép hoặc la mắng. Thay vào đó, hãy chia nhỏ bữa ăn và để trẻ ăn thức ăn dạng lỏng như cháo, súp,… Bổ sung nhiều canxi, chất xơ và vitamin A. Có thể để trẻ uống nước ép trái cây. Ngoài ra, các mẹ nên trang trí thức ăn với màu sắc bắt mắt để tạo hứng thú cho bé.
- Giữ vệ sinh: Bận có thể đeo yếm cho bé và thường xuyên lau nước bọt bằng khăn tay mềm.
- Giảm khó chịu cho trẻ: Để hạn chế sự ngứa ngáy và tránh gây tổn thương nướu răng, ba mẹ có thể để con gặm núm vú giả, hoặc các sản phẩm hỗ trợ trẻ mọc răng khác.
- Hạ sốt: Trường hợp bị sốt nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách lau mát bằng nước ấm. Hãy lau vùng bẹn, vùng nách, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Đồng thời cho trẻ mặc quần áo mỏng và ở không gian thông thoáng để hạ nhiệt. Cho con uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước.
Lưu Ý Khi Chăm Sóc Trẻ Mọc Răng
- Tuyệt đối không tự ý dùng gel mọc răng, hoặc cho các bé sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định. Hiệp Hội Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo sử dụng chất benzocain và lidocain cho trẻ dưới 2 tuổi sẽ dẫn đến nguy cơ giảm nồng độ oxy trong máu.
- Cần giám sát, không để trẻ cho vật lạ vào miệng. Đặc biệt là những vật sắc nhọn.
- Đối với trẻ dưới 24 tháng vẫn cần uống sữa mẹ, nếu trẻ bỏ bú sữa thì có thể chiết sữa mẹ rồi cho uống bằng thìa.
- Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C kèm theo các triệu chứng như co giật, ngủ li bì,… Bạn cần cho con đi khám ngay. Tránh nhầm lẫn giữa sốt do mọc răng và sốt do các loại bệnh như: Viêm tai mũi họng, viêm amidan,…
Hãy đưa trẻ đến khám nha khoa định kỳ để được tư vấn bởi những chuyên gia y tế dày dặn kinh nghiệm. Phòng khám nha khoa Spring Orchid tại Perth giới thiệu dịch vụ nha khoa trẻ em đạt chứng nhận QIP, đạt chuẩn nhi khoa an toàn, chất lượng của Úc.
Câu Hỏi Thường Gặp
Có Thể Dùng Thuốc Gì Để Giảm Đau Khi Mọc Răng?
Trẻ trên 2 tháng có thể dùng liều thuốc acetaminophen để giảm đau. Trẻ trên 6 tháng có thể dùng liều giảm đau ibuprofen.
Lưu ý, không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc mà không có sự tham vấn sức khỏe của bác sĩ. Trong mọi tình huống, chúng tôi vẫn khuyến khích ba mẹ sớm đưa con em mình đến khám tại cơ sở y tế để được kê đơn thuốc đúng liều lượng.
Trẻ Sốt Bao Nhiêu Độ Khi Mọc Răng?
Mọc răng chỉ khiến trẻ em bị sốt dưới 38,5 độ C, kèm với biểu hiện nướu sưng đỏ. Nếu bị viêm nướu có thể gây sốt cao hơn.
Khi trẻ sốt cao và có những triệu chứng như tiêu chảy, co giật,… cần đưa trẻ đến cơ quan y tế uy tín để khám và điều trị.